Công trình xây dựng là gì? Điều cần biết về công trình xây dựng

Công trình xây dựng là gì?

Theo khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) thì công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm:

– Phần dưới mặt đất;

– Phần trên mặt đất;

– Phần dưới mặt nước;

– Phần trên mặt nước.

Loại và cấp công trình xây dựng

Loại và cấp công trình xây dựng theo Điều 5 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) như sau:

– Loại công trình xây dựng được xác định theo tính chất kết cấu và công năng sử dụng công trình.

– Cấp công trình xây dựng được xác định cho từng loại công trình gồm:

+ Cấp công trình xây dựng phục vụ quản lý hoạt động đầu tư xây dựng quy định được xác định căn cứ vào quy mô, mức độ quan trọng, thông số kỹ thuật của công trình, bao gồm cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020);

+ Cấp công trình xây dựng phục vụ thiết kế xây dựng công trình được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Cấp công trình phục vụ quản lý các nội dung khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng

Lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng theo Điều 88 Luật Xây dựng 2014 như sau:

– Chủ đầu tư có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng. Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ công việc do mình thực hiện.

– Hồ sơ phục vụ quản lý, sử dụng công trình xây dựng do người quản lý, sử dụng công trình lưu trữ trong thời gian tối thiểu bằng thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật.

– Việc lập, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Di dời công trình xây dựng

Di dời công trình xây dựng theo Điều 117 Luật Xây dựng 2014 như sau:

– Việc di dời công trình xây dựng từ vị trí này đến vị trí khác phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận và bảo đảm giữ nguyên kiến trúc đối với công trình có yêu cầu cần phải bảo tồn.

– Khi di dời công trình xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình phải có giấy phép di dời công trình xây dựng.

– Nhà thầu thực hiện di dời công trình xây dựng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn đối với công trình được di dời và các công trình lân cận, bảo vệ môi trường.